Tinh dầu gừng có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Thành phần tinh dầu gừng được điều chế là cách tốt nhất để sử dụng làm thuốc, giúp điều trị buồn nôn, đau bụng, rối loạn kinh nguyệt, viêm nhiễm và các tình trạng hô hấp khác. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về thắc mắc “tinh dầu gừng có tác dụng gì”.

1. Thành phần tinh dầu gừng có tác dụng gì?

 

1.1. Cải thiện chức năng dạ dày và ổn định đường tiêu hóa

Tinh dầu gừng là một trong những biện pháp tự nhiên tốt nhất để chữa đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, co thắt đường ruột và thậm chí là nôn mửa. Theo đó, tinh dầu gừng có hiệu quả như một phương thuốc chữa buồn nôn tự nhiên khi say tàu xe hay thay đổi tư thế.

Một nghiên cứu trên động vật đã đánh giá được hoạt động bảo vệ dạ dày của tinh dầu gừng. Khi dùng ethanol để gây loét dạ dày ở chuột, phương pháp điều trị bằng tinh dầu gừng đã ức chế vết loét 85%. Kiểm tra cho thấy các tổn thương do ethanol gây ra, chẳng hạn như hoại tử, xói mòn và xuất huyết của thành dạ dày đã giảm đáng kể sau khi uống tinh dầu gừng.

Bên cạnh đó, một bài đánh giá khoa học được công bố đã đưa ra bằng chứng đánh giá hiệu quả của tinh dầu trong việc giảm căng thẳng và buồn nôn sau thủ thuật phẫu thuật. Khi cho người bệnh hít qua mũi, các thành phần tinh dầu gừng có hiệu quả trong việc giảm buồn nôn và nhu cầu sử dụng thuốc giảm buồn nôn sau phẫu thuật cũng giảm đi. Hơn nữa, tinh dầu gừng cũng cho thấy tác dụng giảm đau ngay sau khi phẫu thuật.

1.2. Chữa lành nhiễm trùng

Tinh dầu gừng có hoạt tính ức chế hoạt động hay tiêu diệt vi trùng nên có thể sử dụng như một chất khử trùng. Vì vậy, khi dùng tinh dầu gừng qua đường tiêu hóa, các tình trạng nhiễm trùng đường ruột, bệnh lỵ do vi khuẩn và ngộ độc thực phẩm có thể cải thiện.

Hơn nữa, tác dụng này của tinh dầu gừng cũng đã được chứng minh trong các nghiên cứu phòng thí nghiệm là có đặc tính kháng nấm.

 

1.3. Hỗ trợ các vấn đề về hô hấp

Tinh dầu gừng giúp hỗ trợ khả năng tống xuất chất nhầy từ cổ họng và phổi, đồng thời được biết đến như một phương thuốc tự nhiên chữa cảm lạnh, cúm, ho, hen suyễn, viêm phế quản và cả chứng khó thở. Vì là chất làm long đờm nên tinh dầu gừng báo hiệu cơ thể tăng lượng bài tiết trong đường hô hấp, giúp bôi trơn vùng bị kích ứng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh dầu gừng được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên cho bệnh nhân hen suyễn. Đây là bệnh lý mạn tính trên đường hô hấp, đặc trưng bởi các cơn co thắt cơ phế quản, phù nề trên niêm mạc phổi và tăng sản xuất chất nhầy, làm hẹp đường thở khiến người bệnh khó thở cấp tính. Các yếu tố khởi kích cơn hen có thể là do ô nhiễm, béo phì, nhiễm trùng, dị ứng, tập thể dục, căng thẳng hoặc mất cân bằng nội tiết tố. Do đặc tính chống viêm của tinh dầu gừng, cơn hen sẽ cải thiện hơn và giúp giãn nở cơ trơn đường hô hấp.

1.4. Giảm viêm

Viêm là phản ứng sinh giúp cơ thể tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, khi hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức và bắt đầu tấn công cả các mô khỏe mạnh của cơ thể, người bệnh sẽ gặp phải tình trạng viêm ở các vùng khỏe mạnh của cơ thể, dẫn đến sưng tấy, đau và khó chịu.

Một thành phần tinh dầu gừng được gọi là zingibain, chịu trách nhiệm về các đặc tính chống viêm có thể giúp giảm đau và điều trị đau cơ, viêm khớp, đau nửa đầu. Hơn nữa, tinh dầu gừng được cho là có thể làm giảm lượng prostaglandin trong cơ thể, là hợp chất có liên quan đến cơn đau.

Một nghiên cứu trên động vật đã kết luận rằng tinh dầu gừng có hoạt tính chống oxy hóa cũng như đặc tính chống viêm và ung thư đáng kể. Sau khi được điều trị bằng tinh dầu gừng trong một tháng, nồng độ enzym trong máu tăng lên, quét sạch các gốc tự do và làm giảm đáng kể tình trạng viêm cấp tính.

1.5 Tăng cường sức khỏe tim mạch

Tinh dầu gừng có khả năng làm giảm mức cholesterol và quá trình đông máu. Thật vậy, một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy tinh dầu gừng có thể làm giảm cholesterol và giúp ngăn máu đông lại, có thể giúp điều trị bệnh tim, tình trạng các mạch máu có thể bị tắc nghẽn và dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ.

Cùng với việc giảm mức cholesterol, tinh dầu gừng cũng có tác dụng cải thiện chuyển hóa lipid, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường.
 

1.6. Tăng khả năng chống oxy hóa

Thành phần tinh dầu gừng có chứa một lượng chất chống oxy hóa rất cao. Chất chống oxy hóa là những chất giúp ngăn ngừa một số loại tổn thương tế bào, đặc biệt là những tổn thương do quá trình oxy hóa gây ra, tổn thương oxy hóa đóng một vai trò quan trọng trong bệnh tật ngày nay và có liên quan đến các tình trạng sức khỏe như bệnh tim, ung thư và sa sút trí tuệ.

Theo tài liệu về các loại thảo dược, tinh dầu gừng có thể làm giảm các dấu hiệu stress oxy hóa liên quan đến tuổi tác và giảm tổn thương do oxy hóa. Khi điều trị bằng các chất chiết xuất từ ​​gừng, các nhà nghiên cứu quan sát thấy có sự giảm quá trình peroxy hóa lipid, hạn chế gây ra tổn thương. Điều này có nghĩa là tinh dầu gừng giúp chống lại tác hại của các gốc tự do.

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng khi chuột được cho ăn gừng, chúng ít bị tổn thương thận hơn do stress oxy hóa gây ra bởi thiếu máu cục bộ. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây đã tập trung vào các hoạt động chống ung thư của tinh dầu gừng, điều này có liên quan đến các hoạt động chống oxy hóa của gingerol và zerumbone, hai thành phần tinh dầu gừng. Theo nghiên cứu, những thành phần mạnh mẽ này có thể ngăn chặn quá trình oxy hóa của tế bào ung thư và có hiệu quả trong việc ngăn chặn CXCR4, một thụ thể protein trong nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư tuyến tụy, phổi, thận và da.

1.7. Kích thích tình dục tự nhiên

Tinh dầu gừng làm tăng ham muốn tình dục, giải quyết các vấn đề như bất lực và mất ham muốn tình dục.

Do đặc tính làm ấm và kích thích, tinh dầu gừng đã được sử dụng như một loại thuốc kích thích tình dục hiệu quả và tự nhiên. Ngoài ra, dùng tinh dầu gừng cũng giúp giảm căng thẳng và mang lại cảm giác tự tin vào bản thân.

1.8. Giảm lo âu

Khi được sử dụng như liệu pháp hương thơm, tinh dầu gừng có thể làm giảm cảm giác lo lắng, bồn chồn, trầm cảm và kiệt sức. Đặc tính làm ấm của dầu gừng đóng vai trò như một chất hỗ trợ giấc ngủ và kích thích cảm giác can đảm và dễ chịu.

1.9. Giảm đau do thống kinh

Do chứa các thành phần chống đau, như zingibain, tinh dầu gừng giúp giảm đau bụng kinh, đau đầu, đau lưng và đau nhức tiền kinh nguyệt.

Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ một hoặc hai giọt tinh dầu gừng mỗi ngày có hiệu quả hơn trong việc điều trị đau cơ và khớp so với các loại thuốc giảm đau. Điều này là nhờ vào khả năng giảm viêm và tăng tuần hoàn của tinh dầu gừng.

1.10. Cải thiện chức năng gan

Do khả năng chống oxy hóa của tinh dầu gừng và hoạt động bảo vệ gan, một nghiên cứu trên động vật đã đo lường hiệu quả của sản phẩm này trong việc điều trị bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, có liên quan đáng kể đến xơ gan và ung thư gan.
 

2. Cách sử dụng tinh dầu gừng

 

  • Để cải thiện lưu thông máu và sức khỏe tim mạch, hãy xoa một đến hai giọt tinh dầu gừng lên tim hai lần mỗi ngày.
  • Đối với chứng đau cơ và khớp, xoa hai đến ba giọt tinh dầu gừng lên vùng cần thiết hai lần mỗi ngày.
  • Để tăng cường tâm trạng và cảm giác tự tin, thêm 2-3 giọt tinh dầu gừng vào máy khuếch tán hoặc hít hai lần mỗi ngày.
  • Đối với cảm giác buồn nôn, hãy thoa một đến hai giọt tinh dầu gừng lên vùng dạ dày cũng như thêm một giọt dầu gừng vào cốc nước ấm hoặc tách trà và uống từ từ.
  • Đối với người nam ham muốn tình dục thấp, hãy khuếch tán hai đến ba giọt tinh dầu gừng hoặc thoa một đến hai giọt vào bàn chân hay bụng dưới.
  • Để hỗ trợ tiêu hóa và thải độc tố, hãy thêm 2-3 giọt tinh dầu gừng vào nước tắm ấm.
  • Để giảm các tình trạng hô hấp, hãy uống trà gừng hoặc thêm một giọt tinh dầu gừng vào trà xanh hai lần mỗi ngày.

Tóm lại, tinh dầu gừng có tác dụng tương tự như những lợi ích sức khỏe của củ gừng tươi. Nhờ có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, tinh dầu gừng được sử dụng cho nhiều vấn đề sức khỏe, từ buồn nôn và đau bụng, rối loạn kinh nguyệt, viêm nhiễm và các tình trạng hô hấp. Với cách sử dụng tinh dầu gừng đơn giản là thêm vào nước uống, bôi ngoài da hay hít trong không khí, mọi thành viên trong gia đình có thể được cải thiện các vấn đề thường gặp với thành phần thảo dược tự nhiên và an toàn này.

Comment